Chia sẻ về quá trình thực hiện dự án, ông Nguyễn Mạnh Tùng, nhà sáng lập nền tảng số YooLife, Trưởng nhóm thực hiện dự án cho biết: Dự án mô phỏng hành trình chiến đấu và trưởng thành của Quân Đội Nhân Dân Việt Nam bằng công nghệ thực tế ảo được nhóm thực hiện trong vòng 6 tháng, nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944 / 22-12-2024). Để có kho dữ liệu lịch sử cho dự án, các thành viên trong nhóm đã đến nhiều bảo tàng, di tích lịch sử trên cả nước để chụp ảnh, quay phim, thu thập tư liệu nhằm tích hợp dữ liệu lên trang mạng của dự án https://media.yoolife.vn/@YooLifeOfficial/post/8605359266710246079.

Người dân trải nghiệm Dự án mô phỏng hành trình chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam bằng công nghệ thực tế ảo.
Người dân trải nghiệm Dự án mô phỏng hành trình chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam bằng công nghệ thực tế ảo.

Điểm đặc biệt của dự án là sự kết hợp giữa lịch sử và công nghệ hiện đại. Dự án sử dụng công nghệ VR360 để hầu hết địa danh gắn liền với lịch sử ra đời và phát triển của Quân đội ta được tái hiện trên không gian số. Bên cạnh hình ảnh sống động, mỗi di tích, sự kiện được bổ sung thuyết minh về các chiến dịch lịch sử. Đây là hệ thống tập hợp “địa chỉ đỏ” lịch sử trên nền tảng số quy mô lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam. Những thông tin lịch sử trước khi đăng tải được các cơ quan chức năng như Viện Lịch sử Quân sự (Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam) và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định.

Cụ thể, thông qua hình ảnh, video trực quan, thuyết minh, tư liệu được trình bày khoa học của dự án, người dùng sẽ có trải nghiệm thú vị, nắm bắt dễ dàng thông tin các sự kiện lịch sử như: Sự kiện Bác Hồ đọc bản “Tuyên ngôn Độc lập” (ngày 2-9-1945), Lễ phong quân hàm Đại tướng đầu tiên của Quân đội ta (năm 1948), các chiến dịch lớn do Quân đội ta tiến hành cho đến Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975…

Đặc biệt, chỉ bằng chiếc điện thoại hay máy tính, người dùng có thể tham quan các địa danh lịch sử gắn với truyền thống hào hùng của Quân đội ta, từ Khu di tích Quốc gia đặc biệt Trần Hưng Đạo (Nguyên Bình, Cao Bằng), An toàn khu (ATK) Định Hóa, Khu di tích chiến trường Điện Biên Phủ, thành cổ Quảng Trị, đến Phu Văn Lâu ở Huế và Địa đạo Củ Chi tại TP Hồ Chí Minh… Với kho tư liệu hơn 3.000 hình ảnh, người xem không chỉ được ngắm nhìn mà còn có cơ hội trải nghiệm cảm giác như đang thực sự đứng tại các di tích và địa danh lịch sử bằng công nghệ VR360 bao quát toàn cảnh. Người dùng sẽ trực tiếp tương tác, chủ động trong việc khám phá, tìm kiếm thông tin. Dự án cũng giới thiệu flipbook (cuốn sách lật trang) và bảo tàng 3D khắc họa chân dung các vị tướng tài danh như: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Đại tướng Lê Trọng Tấn, Đại tướng Hoàng Văn Thái, Đại tướng Lê Đức Anh…

Ông Trần Quang Hưng, Phó bí thư Thành đoàn Hà Nội, Giám đốc Cung Thanh niên Hà Nội đánh giá, YooLife là nền tảng số do người Việt phát triển, được thiết kế để lưu giữ những dấu mốc lịch sử vàng son và ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm mang lại sự sinh động cho lịch sử. Nền tảng này không chỉ giúp đoàn viên, thanh niên dễ dàng tiếp cận lịch sử mà còn sở hữu kho dữ liệu hình ảnh và video khổng lồ, tái hiện chân thực những giá trị văn hóa Việt và trang sử hào hùng.

Theo Trung tá, TS Trần Hữu Huy, Viện Lịch sử Quân sự, thành viên ban cố vấn của dự án, quá trình các bạn trẻ thực hiện dự án trong suốt 6 tháng đã đi đến nhiều nơi của đất nước để ghi lại và tái hiện các địa danh lịch sử là việc làm hết sức có ý nghĩa, không chỉ thể hiện tấm lòng biết ơn đối với các thế hệ cha anh đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân; mà ở đó còn ẩn chứa cả trách nhiệm rất ý nghĩa, nhân văn của thế hệ trẻ. Ngoài ra, dữ liệu của dự án cũng là nguồn tư liệu quý cung cấp cho các nhà nghiên cứu lịch sử, phục vụ việc tuyên truyền lịch sử. Tuy vậy, TS Trần Hữu Huy cũng góp ý dự án cần được tiếp tục nghiên cứu, bổ sung thêm các dữ liệu để nâng cao chất lượng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu tìm hiểu lịch sử của người dân. Cụ thể, một số thông tin của các sự kiện lịch sử, địa danh hay nhân vật còn sơ sài, khô cứng, cần tiếp tục bổ sung thêm tư liệu vào những câu chuyện, lời bình luận kèm hiệu ứng âm thanh. Cập nhật thêm các địa danh lịch sử trên toàn quốc và phân chia thành các cấp: Di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt, di tích lịch sử cấp quốc gia và di tích lịch sử cấp tỉnh. Có như vậy, bảo tàng lịch sử “ảo” sẽ phong phú, sống động và lôi cuốn người xem hơn.

Xem thêm tại đây: Tái hiện truyền thống hào hùng của Quân đội bằng công nghệ thực tế ảo