(NLĐO) – TP HCM phổ cập kinh tế số nhằm mục tiêu là tạo ra một nền kinh tế số bao trùm, mang lại lợi ích cho mọi người dân và doanh nghiệp.
Ngày 14-11, tại tỉnh Bình Dương đã diễn ra Diễn đàn Quốc gia Phát triển kinh tế số và xã hội số lần thứ II với chủ đề “Sáng tạo ứng dụng công nghệ số vào các ngành, lĩnh vực để phát triển kinh tế số và nâng cao năng suất lao động”.
Phát biểu tham luận tại phiên toàn thể, bà Trần Thị Diệu Thuý, Phó Chủ tịch UBND TP HCM khẳng định năm 2024, TP HCM tiếp tục chọn chuyển đổi số là nội dung trọng tâm với chủ đề năm là “Quyết tâm thực hiện hiệu quả Chuyển đổi số và Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội”.
Đến năm 2030, đóng góp giá trị gia tăng của kinh tế số đạt 40%
Theo đo lường của Bộ Thông tin và Truyền thông, tỉ trọng kinh tế số đóng góp vào GRDP của TP HCM năm 2023 là 21,5%, tăng 2,84% so với năm 2022, thuộc nhóm 9 địa phương có tỉ trọng kinh tế số trong GRDP trên 20%.
Bà Trần Thị Diệu Thuý thông tin TP HCM tiếp tục hoàn thiện kế hoạch xây dựng Chính quyền số đến năm 2025, đẩy mạnh phát triển kinh tế số với mục tiêu phấn đấu đóng góp giá trị gia tăng của kinh tế số năm 2024 là 22%; 25% vào năm 2025, và 40% đến năm 2030.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, TP HCM xác định công nghệ số là động lực chính và cũng là động lực mới để phát triển kinh tế thành phố. Do đó, việc thúc đẩy chuyển đổi số, đặc biệt chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, phát triển kinh tế số sẽ là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Qua đó, TP HCM chủ trương hỗ trợ kinh phí, tư vấn, giải pháp chuyển đổi số cho các doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh có nhu cầu chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Tỉ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số phải đạt tối thiểu 60%.
Bà Trần Thị Diệu Thúy dẫn câu chuyện, từ tháng 9 đến 10 năm 2024, TP HCM đã triển khai chương trình thí điểm “Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số” tại quận Phú Nhuận. Chương trình đã khảo sát, đánh giá mức độ sẵn sàng cho thương mại điện tử và chuyển đổi số bằng bộ tiêu chí đo lường của Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công Thương cùng xây dựng.
Kết quả khảo sát 2.154 doanh nghiệp, hộ kinh doanh bán buôn, bán lẻ cho thấy các đơn vị quan tâm được hỗ trợ chuyển đổi số chiếm tỉ lệ 56,41%, trong khi số lượng đã ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kinh doanh chỉ chiếm 3,75%. Điều này cho thấy nhu cầu về chuyển đổi số của các doanh nghiệp, cửa hàng, hộ kinh doanh còn rất nhiều.
Đọc thêm: TP HCM phổ cập kinh tế số vào mọi ngóc ngách của nền kinh tế và xã hội