Đình Trung Tự, nằm tại phường Phương Liên, quận Đống Đa, Hà Nội, là một trong những di tích lịch sử văn hóa đặc sắc của thủ đô. Với không gian cổ kính và yên bình, Đình Trung Tự là điểm đến lý tưởng cho những ai muốn tìm hiểu và cảm nhận nét đẹp tinh hoa của dân tộc Việt Nam. Cùng YooLife khám phá những điều thú vị về ngôi đình trong bài viết dưới đây!
Table of Contents
ToggleGiới thiệu đôi nét về Đình Trung Tự
Đình Trung Tự toạ lạc Phương Liên, quận Đống Đa, Hà Nội vẫn chưa rõ Đình được xây dựng năm nào, chỉ biết rằng công trình này ra đời vào khoảng cuối thế kỷ XVII. Ban đầu, Đình Trung Tự chỉ là một ngôi đền nhỏ thờ thần Cao Sơn và Huệ Minh công chúa, sau này mới được mở rộng thành đình như hiện nay.
Đình Trung Tự đã trải qua nhiều lần tu sửa, lần gần nhất là vào năm 2020, khi đình được đại trùng tu. Ông Nguyễn Văn Tân, trưởng Tiểu Ban quản lý di tích đình Trung Tự, chia sẻ rằng trong quá trình đại trùng tu, toàn bộ cấu trúc của đình cũ từ móng trở lên đều được làm lại mới, nhưng không thay đổi gì về hình dáng và kết cấu. Đình vẫn giữ nguyên diện mạo như xưa.
Bên cạnh giá trị lịch sử và văn hóa, Đình còn gắn liền với những sự kiện quan trọng của địa phương. Đặc biệt, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đình là nơi trú ẩn, che giấu cho các cán bộ cách mạng hoạt động nằm vùng. Cây thị trước sân đình chính là nơi giấu và trung chuyển tài liệu liên lạc của Đảng trong những năm tháng đầy gian nan của cuộc kháng chiến. Để tưởng nhớ sự kiện này, ngày 4 tháng 2 năm 2013, UBND thành phố Hà Nội đã ra Quyết định số 756/QĐ-UBND, gắn biển lưu niệm tại Đình Trung Tự, ghi dấu những cống hiến trong công cuộc kháng chiến.
Vẻ đẹp ẩn sau kiến trúc của Đình Trung Tự
Cổng Đình Trung Tự được xây dựng theo kiểu nghi môn tứ trụ. Mặc dù sân đình bị thu hẹp nhưng vẫn đủ không gian để tổ chức các trò chơi dân gian như bàn cờ người trong các dịp hội làng vào rằm tháng Ba âm lịch.
Đại đình 5 gian, gian giữa treo bức hoành phi chạm rồng chầu mặt nguyệt và 4 câu đối gắn trên 4 cột sơn son thếp vàng, tiếp đến là bức hoành phi thứ hai và án thư gỗ từ thế kỷ XVII chạm hình hổ phù tứ linh. Tại các gian bên có đặt chuông, trống, đôi ngựa gỗ, các cỗ kiệu và đòn khiêng.
Ở chính điện có một bộ long ngai kiểu thời Mạc với hai đầu rồng quay vào trong là thứ rất hiếm. Lại có những đồ quý khác như bức chạm quần long tụ hội và chiếc mõ cá dài 193cm với chu vi khoang bụng 110cm. Gian thứ hai chính điện có bộ cửa giữa rộng 4 cánh, phía trên là bức hoành phi thứ ba “Chiêu điện thiên cổ”.
Trên cửa hậu cung bên trái có bức đại tự “Trang nghiêm”, bên phải là “Tĩnh túc”. Trong cung, long án gỗ sơn son thếp vàng được đặt ngai thờ chạm rồng tinh xảo, với bài vị sơn son thếp vàng và đỉnh ngai chạm lưỡng long triều nguyệt.
Di sản lịch sử của Đình Trung Tự
Trải qua nhiều thế kỷ, khuôn viên đình thu hẹp dần sau những biến cố lịch sử. Văn chỉ đã bị chiếm mất, giếng Ngọc cũng chỉ mới được xây lại gần đây. Tuy nhiên trong đình vẫn giữ được nhiều cổ vật, đáng kể là 2 tấm bia đá và 10 câu đối.
Độc đáo nhất là bia hộp “Đông Tác phường Trung Tự thôn địa giới kiệt” (Mốc địa giới thôn Trung Tự, phường Đông Tác), trước kia đặt ở Văn chỉ. Lời mở đầu văn bia do Tư nghiệp Quốc tử giám là Hoàng giáp Nguyễn Trù (1668—1738) soạn ngày 2 tháng 6 Quý Sửu, năm Long Đức 2 (1733), đúng 60 năm sau khi dân làng Trung Tự kiện để đòi lại đất đai bị quân doanh chiếm. Hai mặt bia chép các văn bản liên quan vụ kiện, dưới 700 chữ, trên 600 chữ, úp vào nhau thành một hộp triện vuông, mỗi cạnh rộng 76cm, thân cao 50cm, nắp dày 18cm, được coi như cuốn “sổ đỏ” bền chắc độc nhất vô nhị ở Thăng Long.
Tại góc sân có một cây thị mấy trăm năm tuổi, trong hốc cây từng cất giấu tài liệu cách mạng của Việt Minh. Vào ngày 20 tháng 8 âm lịch hàng năm, dân làng làm lễ tế các bậc tiên hiền. Cây thị thuộc loại “thất tuyệt” tức có 7 điều quý: chịu hạn, tuổi thọ cao, tán rộng, không có tổ chim, gỗ làm ván in, quả thơm để cúng, vỏ làm thuốc chữa bệnh.
Lễ hội truyền thống của Đình Trung Tự
Lễ hội Đình Trung Tự là một sự kiện văn hóa truyền thống quan trọng của làng, được tổ chức hàng năm vào ngày 15 tháng 3 âm lịch, ngày sinh của Đức Thành Hoàng làng. Lễ hội này không chỉ là dịp để cộng đồng bày tỏ lòng tri ân đối với công lao của Đức Thành Hoàng, mà còn là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân nơi đây.
Lễ hội được tổ chức với nhiều hoạt động phong phú, như lễ dâng hương, cúng tế tổ tiên, các nghi lễ truyền thống, múa lân, rước kiệu, và các trò chơi dân gian.
Bên cạnh đó, lễ hội còn là cơ hội để người dân và du khách giao lưu, đồng thời giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa dân gian, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của cộng đồng. Lễ hội Đình Trung Tự được thể hiện rõ nét tinh thần “uống nước nhớ nguồn,” một truyền thống quý báu của dân tộc, nhắc nhở con cháu luôn nhớ về cội nguồn và những giá trị văn hóa dân tộc.
Tham quan Đình Trung Tự trên nền tảng số
Tham quan Đình Trung Tự trên nền tảng số là một cách tiếp cận mới mẻ giúp người dân và du khách có thể khám phá di tích này mà không cần phải đến trực tiếp.
Hình ảnh Đình Trung Tự trên nền tảng số
Tải App YooLife ngay trên thiết bị di động của mình để trải nghiệm toàn bộ không gian Di tích.
Khám phá trực tuyến: Du khách có thể tham quan Đình Trung Tự qua hình ảnh, video, hoặc các tour ảo VR360, giúp họ dễ dàng tìm hiểu về kiến trúc, lịch sử và các hoạt động tại đình mà không cần phải di chuyển xa.
Chia sẻ thông tin dễ dàng: Thông qua nền tảng số, người dùng có thể dễ dàng chia sẻ những trải nghiệm tham quan, cũng như truyền tải những câu chuyện, hình ảnh về Đình Trung Tự tới bạn bè, người thân và cộng đồng, từ đó lan tỏa giá trị di sản này.
Truyền tải giá trị văn hóa: Các hoạt động lễ hội, nghi lễ, và những câu chuyện lịch sử gắn liền với Đình có thể được tái hiện một cách sinh động và chi tiết, giúp bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa, truyền thống dân gian.
Theo dõi YooLife để không bỏ qua cơ hội khám phá nhiều dự án độc đáo, mang đến những trải nghiệm mới lạ và đầy thú vị!