Hơn ba tháng kể từ khi Nghị quyết số 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được ban hành, nhiều doanh nghiệp cho biết “mạnh dạn đầu tư công nghệ để tận dụng cơ hội mới”.
Ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch HĐQT Công ty FECON, nhận định việc đổi mới công nghệ không còn là lựa chọn, mà là yêu cầu tất yếu để tồn tại và phát triển. Ông lý giải, trong lĩnh vực xây dựng, các doanh nghiệp nội địa đang đối mặt với áp lực kép: sự cạnh tranh từ các nhà thầu nước ngoài sở hữu công nghệ hiện đại và yêu cầu ngày càng cao về nội địa hóa.
Theo ông Khoa, Chính phủ đang thúc đẩy chiến lược tự chủ về công nghệ xây dựng, hạn chế nhập khẩu thiết bị và vật liệu, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu, phát triển (R&D). Tuy nhiên thách thức lớn do việc ứng dụng công nghệ mới đòi hỏi nguồn vốn đáng kể, cùng sự kiên trì trong quá trình nghiên cứu, thử nghiệm và triển khai.
Để chiếm ưu thế cạnh tranh, FECON đã mạnh dạn đầu tư công nghệ đào hầm TBM (Tunnel Boring Machine), mục tiêu rút ngắn thời gian thi công, nâng cao an toàn và đảm bảo chất lượng công trình hạ tầng đô thị. Ngoài ra, còn có công nghệ cảm biến đo lực (loadcell) được ứng dụng trong đánh giá sức chịu tải của nền móng với các loại dự án yêu cầu tải trọng lớn, giúp tối ưu thiết kế và đảm bảo độ an toàn công trình.
Đây cũng là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên tại Việt Nam sở hữu một viện nghiên cứu. Hiện tại, Viện nền móng và Công trình ngầm FECON đang tập trung nghiên cứu các công nghệ sản xuất và thi công phục vụ các dự án đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao như sản xuất cấu kiện bê tông cường độ cao, thi công hầm qua núi, hầm đường sắt bằng TBM. Những giải pháp công nghệ tiên tiến đang được phát triển nhằm đảm bảo tiến độ, nâng cao chất lượng thi công và giảm chi phí đầu tư, kịp đón đầu các dự án trọng điểm về đường sắt giai đoạn 2025 – 2040.

Ông Khoa nhìn nhận, xu thế đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và sự gia tăng cạnh tranh đang có trong nhiều lĩnh vực, và “doanh nghiệp dám đổi mới, dám đầu tư vào công nghệ sẽ có nhiều cơ hội khẳng định năng lực ngay trên sân nhà, sẵn sàng vươn ra thị trường khu vực và thế giới”.
Theo ông, nhu cầu về những giải pháp xây dựng hiện đại, bền vững ngày càng lớn. Các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam không thể chỉ dựa vào phương thức thi công truyền thống mà buộc phải đổi mới, ứng dụng công nghệ tiên tiến, nhằm tối ưu quy trình và giảm phụ thuộc vào nguồn lực nước ngoài.
Bên cạnh lĩnh vực xây dựng, các doanh nghiệp khoa học công nghệ cũng đang đẩy mạnh đầu tư R&D để tận dụng cơ hội từ Nghị quyết 57. Ông Nguyễn Mạnh Tùng, Nhà sáng lập MXH thực tế ảo YooLife, cho hay giống như cách “Khoán 10” giải phóng năng suất trong nông nghiệp, Nghị quyết 57 khuyến khích các doanh nghiệp mạnh dạn đổi mới, ứng dụng công nghệ cao và cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường toàn cầu.
Sau khi Nghị quyết 57 được ban hành, ông Tùng nói các doanh nghiệp khoa học công nghệ nhận thấy những cơ hội rõ ràng ở nhiều khía cạnh gồm đầu tư tài chính và R&D, chuyển giao công nghệ và hợp tác công – tư và khuyến khích thử nghiệm thực tế.
“Doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn từ các quỹ đổi mới sáng tạo và quỹ đầu tư công nghệ quốc gia, từ đó tăng tốc quá trình làm chủ các công nghệ lõi như AI, IoT, VR, AR và blockchain”, ông cho hay.
Dẫn chứng thực tế doanh nghiệp, YooLife, nền tảng công nghệ thuần Việt tiên phong làm chủ các công nghệ như AI, IoT và VR360 vào xây dựng MXH VR, nhận rõ cơ hội “phát triển và động lực hiện thực hóa sứ mệnh lan tỏa, phát triển văn hóa, lịch sử, nghệ thuật và bản sắc dân tộc” thông qua công nghệ thực tế ảo. Ngay sau khi Nghị quyết 57 được ban hành, doanh nghiệp này tăng tốc triển khai và đẩy mạnh các dự án trọng điểm với mục tiêu ứng dụng công nghệ để số hóa và lan tỏa giá trị văn hóa, lịch sử, nghệ thuật và giáo dục.
“Chúng tôi hành động với tốc độ nhanh hơn, quyết liệt hơn và táo bạo hơn để tận dụng tối đa những cơ hội mới”. YooLife đầu tư mạnh mẽ vào R&D và phát triển hoàn thiện công cụ YooStudio – một sản phẩm tiên phong sáng tạo nội dung ảo hóa 3D, VR, AR kết hợp trí tuệ nhân tạo (AI).
Để thực sự tận dụng được cơ hội trong bối cảnh sức ép cạnh tranh lớn, ông Tùng nhìn nhận đầu tư vào R&D là yếu tố then chốt để doanh nghiệp từng bước làm chủ công nghệ. Doanh nghiệp nên coi R&D không chỉ là một khoản chi phí mà là một khoản đầu tư chiến lược. “Tôi nghĩ các doanh nghiệp công nghệ khác cũng nên đặt trọng tâm vào việc nghiên cứu, làm chủ công nghệ, phát triển sản phẩm thay vì chỉ dừng ở gia công hay ứng dụng công nghệ nước ngoài”, ông nói.
Bên cạnh việc chú trọng phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao, theo ông các doanh nghiệp nên chủ động tham gia vào các chương trình sandbox. “Đây là cơ hội tốt để thử nghiệm các công nghệ mới, việc được miễn trừ trách nhiệm trong phạm vi thử nghiệm giúp doanh nghiệp giảm bớt rủi ro và có thêm không gian để sáng tạo”, ông cho biết thêm. Hiện YooLife cũng cân nhắc mở rộng các thử nghiệm liên quan đến ứng dụng blockchain trong bảo vệ bản quyền số và kiến tạo tài sản số trên không gian mạng.
Chia sẻ thực tế tại doanh nghiệp, TS Trịnh Thị Hòa, đồng sáng lập Công ty Nhựa sinh học Buyo, cho biết Buyo mới ra đời được 3 năm theo đuổi để tạo ra các sản phẩm vật liệu và các ứng dụng thay thế nhựa. Buyo là một doanh nghiệp deeptech, tập trung vào phát triển công nghệ lõi về vật liệu và công nghệ sinh học.
TS Hòa cho rằng, một sản phẩm nghiên cứu hay dịch vụ của doanh nghiệp để đáp ứng được nhu cầu của thị trường bên cạnh chất lượng cũng rất cần chính sách hỗ trợ. Bà kiến nghị Chính phủ và các cơ quan hoạch định có chính sách khuyến khích, hỗ trợ và hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp kinh tế tuần hoàn vì bản chất của mô hình này phải xử lý vấn đề về mặt công nghệ và môi trường.
Với những chuyển động chính sách hiện nay, lãnh đạo doanh nghiệp kỳ vọng việc đầu tư vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo không chỉ giúp doanh nghiệp gia tăng năng lực cạnh tranh mà còn mở ra cơ hội mở rộng thị trường.
Xem thêm: Doanh nghiệp đầu tư cho công nghệ để chiếm ưu thế cạnh tranh