Mỗi sự kiện lịch sử được tái hiện một cách sống động và chi tiết bằng hình ảnh chân thực, sắc nét kết hợp với công nghệ VR 360 hiện đại.
Table of Contents
ToggleHành trình khám phá những giá trị lịch sử
Tối 19/12, trong khuôn khổ chương trình Giao lưu nghệ thuật Tự hào Việt Nam, dự án mô phỏng hành trình chiến đấu và trưởng thành của Quân đội Nhân dân Việt Nam bằng công nghệ thực tế ảo trên nền tảng số mở YooLife đã ra mắt, góp phần khơi dậy niềm tự hào dân tộc.
Trao đổi với VietTimes, ông Nguyễn Mạnh Tùng, nhà sáng lập nền tảng số YooLife cho biết toàn bộ hành trình lịch sử hào hùng của dân tộc được tái hiện đầy đủ các cột mốc thông qua hệ thống bảo tàng ảo.
Hành trình này chia 5 giai đoạn, từ thời kỳ hình thành của các lực lượng vũ trang cách mạng; đến cách mạng Tháng 8 và thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp; Giai đoạn kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược; Thời kỳ bảo vệ biên giới của tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế; và Quân đội Nhân dân Việt Nam với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam.
Mỗi sự kiện lịch sử được tái hiện một cách sống động và chi tiết bằng hình ảnh chân thực, sắc nét kết hợp với công nghệ VR 360 hiện đại.
Với kho tư liệu hơn 3.000 hình ảnh, người xem không chỉ được ngắm nhìn mà còn có cơ hội trải nghiệm cảm giác như đang thực sự đứng tại các di tích và địa danh lịch sử.
Từng khung hình, từng góc quay đều mang đến một hành trình khám phá, giúp khơi dậy sự tò mò và lòng tự hào về những giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc.
“Bên cạnh hình ảnh sống động, mỗi dự án được bổ sung thuyết minh các chiến dịch lịch sử. Đây là cách tiếp cận rất hiệu quả, thay vì chỉ học qua sách vở”, ông Nguyễn Mạnh Tùng nói.
Thông qua hình ảnh, video trực quan, thuyết minh, tư liệu được trình bày khoa học, người dùng sẽ có trải nghiệm thú vị, nắm bắt dễ dàng thông tin các sự kiện nổi tiếng, mang đậm dấu ấn lịch sử.
Chia sẻ rộng rãi giá trị lịch sử đến công chúng
Theo quan sát của VietTimes, nền tảng YooLife đã cập nhật nhiều sự kiện nổi bật của lịch sử như Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập (2/9/1945), lễ thụ phong chức Đại tướng đầu tiên của quân đội ta (1948), chiến dịch Lam Sơn 719 (1971), cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc (1979),…
Người dùng sẽ có dịp trải nghiệm tham quan thực tế ảo (công nghệ VR360) các địa danh lịch sử gắn liền với hành trình phát triển của quân đội. Trong đó, có khu di tích Quốc gia Đặc biệt Trần Hưng Đạo (Nguyên Bình, Cao Bằng), An toàn khu (ATK) Định Hóa, Khu di tích Chiến trường Điện Biên Phủ, thành cổ Quảng Trị, đến Phu Văn Lâu ở Huế và Địa đạo Củ Chi tại TP.HCM.
Dự án cũng giới thiệu cuốn sách số (flipbook) và bảo tàng 3D khắc họa cuộc đời những vị tướng tài danh như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Đại tướng Lê Trọng Tấn, Đại tướng Hoàng Văn Thái, Đại tướng Lê Đức Anh…
Trung tá, TS Trần Hữu Huy, Viện Lịch sử quân sự – Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam cho rằng “chia sẻ là cách bảo tồn bền vững nhất” và khẳng định bên cạnh sưu tập, lưu trữ bảo tồn, nên chia sẻ rộng rãi giá trị lịch sử đến đông đảo công chúng.
Với vai trò là người tham gia cố vấn chuyên môn dự án, Trung tá Huy ghi nhận những cố gắng, nỗ lực ngày đêm không nghỉ của đội ngũ YooLife để thực hiện dự án phi thương mại, vì cộng đồng.
TS Trần Hữu Huy cho rằng nguồn tư liệu của dự án phong phú và đáng tin cậy. Tuy vậy, ông góp ý rằng dự án cần được tiếp tục nghiên cứu, bổ sung để nâng cao chất lượng để đáp ứng tốt hơn nhu cầu tìm hiểu của người dân.
Trung tá Huy chỉ ra một số thông tin còn thô sơ, mộc mạc, khô cứng, cần phải có thời gian để bổ sung thêm vào những câu chuyện, lời bình luận kèm hiệu ứng âm thanh. Có như vậy, bảo tàng ảo sẽ đưa tới cho người xem có được cảm nhận sống động hơn.
“Lịch sử diễn ra một lần và không thể lặp lại. Tuy nhiên, nhận thức lịch sử và tuyên truyền về lịch sử thì chúng ta cần có thời gian nghiên cứu, chuẩn bị thật kỹ càng”, Trung tá Trần Hữu Huy nói với VietTimes. Ông cũng cho rằng những thông tin về lịch sử, chính trị trên các nền tảng khác và cả YooLife đều cần được kiểm duyệt chặt chẽ.
Xem thêm tại đây: https://viettimes.vn/cong-nghe-thuc-te-ao-tai-hien-lich-su-chien-dau-truong-thanh-cua-quan-doi-nhan-dan-viet-nam-post181170.html