Nhà số 86 phố Hàng Bạc, trụ sở Ban chỉ huy Trung đoàn Thủ đô. Ban chỉ huy Trung đoàn đã chỉ đạo nhiều trận đánh có tiếng vang lớn như trận đánh chiếm nhà Xôva đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp điện khen: “Xứng đáng là một đơn vị của Trung đoàn Thủ đô, của Vệ quốc đoàn Việt Nam”. Cùng YooLife tìm hiểu ý nghĩa lịch sử và khám phá kiến trúc ngôi nhà.
Table of Contents
Toggle1. Trụ sở ban chỉ huy Trung đoàn Thủ đô – 80 Hàng Bạc
Nhà số 86 phố Hàng Bạc, thuộc phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, là một địa điểm lịch sử gắn liền với cuộc kháng chiến chống Pháp những ngày đầu của dân tộc. Đây từng là nơi Ban chỉ huy Trung đoàn Thủ Đô hoạt động từ cuối năm 1946 đến đầu năm 1947.
Ban chỉ huy gồm:
– Đồng chí Lê Trung Toản, Chủ tịch UBKC Liên khu I, Phó bí thư Liên khu uỷ giữ chức Chính trị viên Trung đoàn.
– Đồng chí Hoàng Siêu Hải, dân tộc Tày, cán bộ vệ quốc đoàn, giữ chức trung đoàn trưởng.
– Đồng chí Hoàng Phương, Liên khu uỷ viên, Phó chủ tịch Ban chấp hành tự vệ Hoàng Diệu giữ chức tham mưu trưởng.
Trung đoàn Thủ Đô thuộc đơn vị quân sự thuộc Liên khu I, được thành lập vào ngày 5/1/1947 và được Hội nghị Quân sự toàn quốc trao tặng danh hiệu vào ngày 13/1/1947.
Trong những ngày kháng chiến ác liệt, Trung đoàn đã lập nhiều chiến công vang dội, ghìm chân địch trong Thủ đô, tiêu diệt nhiều lực lượng đối phương và bảo vệ an toàn cho nhân dân.
Ngôi nhà 86 Hàng Bạc là một ngôi nhà cổ, mang kiến trúc đặc trưng của khu phố cổ Hà Nội. Chủ nhân ngôi nhà là ông Chấn Hưng – một nhà tư sản yêu nước, thuộc một gia đình trí thức kinh doanh vàng bạc. Với diện tích khoảng 200m², mặt tiền rộng 5m và sâu 20m, ngôi nhà có kết cấu 3 tầng khang trang, trong đó nổi bật là một căn hầm lớn kiên cố – nguyên là hầm rượu của gia đình.
Trong thời kỳ kháng chiến, căn hầm này được sử dụng làm nơi họp bí mật và ẩn náu an toàn cho Ban chỉ huy Trung đoàn khi cần thiết. Thông thường, các cuộc họp diễn ra tại phòng khách tầng trên quanh một chiếc bàn lớn, nhưng khi địch bắn phá, các cuộc họp sẽ được chuyển xuống hầm.
Từ trụ sở tại số 86 Hàng Bạc, Ban chỉ huy Trung đoàn đã lãnh đạo nhiều trận đánh vang dội, trong đó có trận đánh chiếm nhà Xôva, một trận đánh đã nhận được lời khen ngợi từ Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Xứng đáng là một đơn vị của Trung đoàn Thủ Đô, của Vệ quốc đoàn Việt Nam”. Những chiến thắng ấy đã khẳng định vị thế của Trung đoàn Thủ Đô trong lịch sử kháng chiến dân tộc.
2. Khám phá số nhà 86 phố Hàng Bạc
Nhằm bảo tồn và lan tỏa giá trị lịch sử của nhà số 86 phố Hàng Bạc – trụ sở Ban chỉ huy Trung đoàn Thủ Đô, công ty YooLife đã ứng dụng công nghệ thực tế ảo (VR360) để ảo hóa toàn bộ không gian di tích. Ngoài ảo hóa di tích số nhà 86 phố Hàng Bạc, YooLife còn ảo hóa nhiều di tích lịch sử khác. Mọi người có thể trải nghiệm và khám phá từng góc cạnh của ngôi nhà qua môi trường ảo.
Ngày nay, ngôi nhà số 86 vẫn giữ được phần lớn kiến trúc cũ, dù đã có nhiều gia đình sinh sống và thực hiện một số sửa chữa. Căn phòng rộng, nơi từng diễn ra các cuộc họp quan trọng của Ban chỉ huy, vẫn được bảo tồn. Nơi đây còn lưu giữ một số hiện vật gốc, bao gồm chiếc bàn họp của Ban chỉ huy và bàn dài nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng trao đổi, học tập cùng Giáo sư Phạm Huy Thông – con trai của ông Chấn Hưng.
Nhằm ghi nhớ và tôn vinh giá trị lịch sử, ngôi nhà 86 Hàng Bạc đã được UBND Thành phố Hà Nội gắn biển công nhận là di tích cách mạng – kháng chiến, trở thành một nhân chứng sống động của những năm tháng hào hùng trong lịch sử đấu tranh bảo vệ đất nước.