Chùa Viên Minh – di tích lịch sử và văn hóa đặc sắc tại Hà Nội, không chỉ là nơi thờ phụng linh thiêng mà còn là biểu tượng của giá trị kiến trúc và tâm linh Việt Nam. Hãy cùng khám phá những giá trị văn hóa độc đáo của chùa Viên Minh qua nền tảng số YooLife, nơi bạn có thể trải nghiệm và tìm hiểu di tích này một cách sinh động và dễ dàng.
Table of Contents
ToggleGiới thiệu đôi nét về Chùa Viên Minh
Chùa Viên Minh (còn có tên gọi khác là Chùa Bà Trưng) tọa lạc tại phố Hương Viên, phường Đồng Nhân, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, nằm trong một quần thể di tích gồm: chùa Viên Minh, đền Hai Bà Trưng và đền Đồng Nhân. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông, chùa là nơi thờ hai nữ anh hùng Trưng Trắc và Trưng Nhị, những người đã đứng lên chống giặc ngoại xâm trong lịch sử Việt Nam.
Với kiến trúc đặc trưng của thời Nguyễn Chùa có hình dáng chữ Công, gồm tiền đường, nhà thiêu hương và tòa thượng điện. Nơi đây thờ các tượng Phật và các vị thần, với nhiều pháp khí và đồ thờ tự được chế tác tinh xảo. Trải qua nhiều lần trùng tu vào các năm 1890, 1912, 1930, 1940, 1950 và 1982, chùa vẫn giữ được vẻ đẹp cổ kính và uy nghi.
Chùa Viên Minh là một công trình mang giá trị lịch sử sâu sắc, đặc biệt trong giai đoạn kháng chiến từ năm 1946 đến 1954. Trong thời kỳ này, chùa đã trở thành một cơ sở hoạt động cách mạng bí mật của Đảng, nơi tổ chức các cuộc họp và cất giấu tài liệu quan trọng.
Nhà thờ Tổ và tam bảo của chùa chính là những địa điểm chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng trong phong trào cách mạng. Sư Tổ Thích Đàm Thu, thế danh Nguyễn Thị Khói, là một người yêu nước kiên trung, đã đóng góp to lớn trong việc bảo vệ và hỗ trợ các cán bộ cách mạng. Cụ không chỉ nuôi giấu, che chở các chiến sĩ mà còn trực tiếp tham gia canh gác, đảm bảo an toàn cho những cuộc họp bí mật diễn ra tại chùa.
Ông Đỗ Ngọc Du, cư dân phường Đồng Nhân và từng tham gia tổ điệp báo 256 thuộc Sở Công an Hà Nội, kể lại rằng vào năm 1953, nhiều cuộc họp quan trọng đã được tổ chức tại nhà Tổ của chùa. Trong những lần đó, Sư cụ Thích Đàm Thu thường đứng ngoài sân canh gác, bảo vệ cho các cán bộ yên tâm thảo luận các chủ trương, chính sách của Đảng. Đặc biệt, ông Trần Duy Hưng, Chủ tịch Ủy ban hành chính đầu tiên của Hà Nội, cũng từng hoạt động bí mật tại đây và được cụ Sư bảo vệ an toàn.
Ngày Thủ đô giải phóng 10/10/1954, vào sáng sớm, cụ Sư đã mời ông Đỗ Ngọc Du đến chùa, trao tặng một lá cờ nhỏ để ông mang đi đón bộ đội tiếp quản Thủ đô. Hành động ấy không chỉ thể hiện tinh thần yêu nước của Sư cụ Thích Đàm Thu mà còn ghi dấu vai trò lịch sử của chùa Viên Minh trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc.
Chùa đã được Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội công nhận là di tích cách mạng kháng chiến. Cùng với đền Hai Bà Trưng và đình Đồng Nhân, Chùa được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật vào năm 1962.
Đây là một địa điểm quan trọng để du khách và phật tử đến cầu nguyện, tìm hiểu lịch sử và văn hóa dân tộc.
Khám phá kiến trúc hình chữ “Công” tại Chùa Viên Minh
Chùa Viên Minh sở hữu một kiến trúc đặc sắc với kết cấu hình chữ “công”. Công trình chính của chùa bao gồm Tiền đường 5 gian, là không gian chính dùng để thờ cúng và tổ chức lễ nghi; Toà Ống muống 2 gian, nơi lưu giữ các tượng thờ và đồ thờ tự; và Thượng điện 3 gian, nơi thờ Phật và các vị thần linh.
Theo bia ký cổ tại chùa, chùa Viên Minh được xây dựng từ lâu đời tại bãi Đồng Nhân, Hà Nội. Qua nhiều thế hệ, chùa đã trải qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa dưới sự quản lý của các vị sư trụ trì. Mỗi vị sư tổ đều có những đóng góp riêng để xây dựng và mở rộng chùa, từ việc xây dựng thêm đền thờ, nhà khách, đến việc trùng tu lại các công trình đã xuống cấp. Nhờ sự chăm sóc và gìn giữ của các thế hệ sư trụ trì, Chùa ngày càng khang trang và trở thành một ngôi chùa nổi tiếng ở Thăng Long.
Chùa hiện lưu giữ nhiều di vật quý giá, bao gồm 76 pho tượng thờ, chủ yếu được tạo tác dưới triều Nguyễn, trong đó có 34 pho tượng Phật, 35 pho tượng Mẫu, 7 pho tượng Tổ. Ngoài ra, còn có 1 quả chuông đồng đúc năm Gia Long 11 (1812), 20 bia đá ghi lại việc tu bổ chùa và các sự kiện quan trọng, 21 bức hoành phi, cuốn thư, 18 đôi câu đối và 19 cửa võng được chạm khắc tinh xảo với các chủ đề tứ linh, tứ quý.
Không chỉ có giá trị về kiến trúc nghệ thuật, Chùa còn đóng vai trò quan trọng trong lịch sử cách mạng. Từ năm 1946 đến 1954, nhà thờ Tổ và Tam bảo của chùa là nơi tổ chức hội họp và lưu trữ tài liệu cách mạng. Sư tổ Thích Đàm Thu (Nguyễn Thị Khói) là người đã hỗ trợ, bảo vệ các cán bộ cách mạng hoạt động tại đây.
Chiêm ngưỡng Chùa Viên Minh trên nền tảng số
YooLife – nền tảng mạng xã hội ảo thuần Việt đã được tái hiện Chùa Viên minh trên nền tảng số, mang đến cơ hội cho mọi người dùng khám phá và tìm hiểu về Chùa Viên Minh. Qua hình ảnh VR360, người dùng có thể tham quan các công trình kiến trúc của chùa, chiêm ngưỡng các di vật quý giá, cũng như trải nghiệm những giá trị văn hóa, lịch sử độc đáo mà Chùa lưu giữ.
Tải App YooLife trên thiết bị di động của mình để khám phá toàn bộ không gian ảo hoá Chùa Viên Minh!
Việc tái hiện Chùa trên nền tảng số không chỉ giúp bảo tồn những giá trị di sản mà còn giúp phổ biến kiến thức về văn hóa, tôn giáo và lịch sử đến một đối tượng rộng rãi hơn. Đây là một cách tiếp cận hiện đại, kết hợp công nghệ số với di sản văn hóa, giúp dùng dễ dàng tiếp cận và cảm nhận được sự linh thiêng và giá trị nghệ thuật của Chùa.
Ngoài không gian ảo hoá của Chùa Viên Minh, YooLife còn tạo dấu ấn với nhiều dự án ảo hoá đặc sắc khác như Bảo tàng Công binh, Dinh Độc Lập, Pắc Bó Cao Bằng… Hãy theo dõi YooLife để không bỏ qua cơ hôi khám phá nhiều dự án độc đáo, mang đến những trải nghiệm mới lạ và đầy thú vị!