Việc bắt tay vào xây dựng xã hội thông minh ở Việt Nam mới chỉ đang ở giai đoạn đầu tiên, sơ khởi, còn rất nhiều việc cần phải làm và thách thức đang ở phía trước.
Cùng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và sự bùng nổ, phổ biến của các công nghệ kỹ thuật số, như internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), nhiều năm gần đây, những cụm từ như chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số, xã hội thông minh không còn xa lạ với người dân.
Thời gian vừa qua, Chính phủ đã ban hành các chính sách để thực hiện hiệu quả cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và phát triển nền kinh tế số, xã hội số. Gần đây nhất là Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 phê duyệt “Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Theo nhiều tổ chức thế giới đánh giá, Việt Nam là quốc gia sở hữu nhiều điều kiện thuận lợi để chuyển đổi số, phát triển xã hội thông minh. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (World Bank) năm 2021 cho thấy, Việt Nam đạt kết quả tốt về kết nối, với thứ hạng cao về sử dụng điện thoại di động và có kết nối internet.
Năm 2021, Việt Nam có 68,72 triệu người dùng internet, chiếm 70,3% dân số, theo số liệu từ Trung tâm internet Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 45.500 doanh nghiệp thuộc ngành, lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông (ICT).
Công nghiệp 4.0 phát triển là xu hướng phát triển mô hình xã hội thông minh.
Với hơn 100 triệu dân và đang trong giai đoạn cơ cấu dân số vàng, khoảng 70% dân số trong tuổi lao động, số người dùng internet và điện thoại thông minh tiếp tục có xu hướng tăng nhanh, người dân có sự thích ứng nhanh với những thay đổi… Đây chính là những điều kiện thuận lợi để Việt Nam thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển xã hội thông minh.
Tuy nhiên, trên thực tế, khái niệm về xã hội thông minh đối với người dân vẫn còn rất chung chung, mơ hồ. Phần lớn người dân chưa hiểu hết một cách đầy đủ về khái niệm này. Họ thường được tiếp cận nhiều hơn với các thuật ngữ như chuyển đổi số, kinh tế số, trong khi đó, đây chỉ là một khía cạnh nhỏ của “xã hội thông minh” nhìn trên tổng thể.
Xã hội thông minh, xét theo nghĩa rộng, bao trùm lên mọi hoạt động của con người. Động lực chính của xã hội thông minh là công nghệ số, dựa trên sự tăng trưởng thông tin, dữ liệu một cách nhanh chóng, làm thay đổi mọi khía cạnh của tổ chức xã hội, từ Chính phủ, kinh tế cho tới đời sống người dân. Trong đó, chuyển đổi số là một quá trình tất yếu để đi đến xã hội thông minh.
Nói một cách cụ thể hơn hơn về khái niệm này, ông Nguyễn Mạnh Tùng, Chủ tịch Tập đoàn Song Nam, đồng thời là nhà sáng lập nền tảng IMAX IoT Platform, người có hơn 15 năm hoạt động trong lĩnh vực tự động hóa, IoT cho rằng, định nghĩa xã hội thông minh phải đi từ gốc rễ của vấn đề, bao gồm đầy đủ mọi mặt của đời sống xã hội.
Theo đó, xã hội thông minh là tổng hòa của 5 yếu tố: Chính phủ số, công dân số, cuộc sống số, kinh tế số và xã hội số. Trong đó, điều quan trọng nhất của một xã hội thông minh là tính kết nối, ở đây là sự kết nối giữa con người với con người, con người với các thiết bị, kết nối con người với xã hội.
Với khái niệm trên, theo ông Tùng, xã hội thông minh là một phạm trù vô cùng rộng lớn, rất phức tạp, đòi hỏi sự đầu tư rất lớn cả về con người, công nghệ và cả nguồn lực tài chính. Việc bắt tay vào xây dựng xã hội thông minh ở Việt Nam mới chỉ đang ở giai đoạn đầu tiên, sơ khởi, còn rất nhiều việc cần phải làm và thách thức đang ở phía trước.
Theo đó, với năm yếu tố cấu thành lên xã hội thông minh, ông Tùng đánh giá, Chính phủ mới đang chỉ tập trung vào xây dựng chính quyền số. Ở đó, mọi giấy tờ, thủ tục hành chính, quy trình thủ tục đang được số hoá nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.
Xã hội thông minh là tổng hòa 5 của yếu tố: Chính phủ số, công dân số, cuộc sống số, kinh tế số và xã hội số.
Mặt khác, chính quyền số mà Chính phủ đang thực hiện cũng mới ở một góc độ rất nhỏ của tổng thể vấn đề. Chính phủ đang xây dựng chính quyền số từ góc độ của cơ quan quản lý nhà nước, còn từ phía người dân vẫn chưa được tính đến. Đó chính là khía cạnh của công dân số. Cơ quan quản lý cần số hoá và quản lý được các thông tin của công dân như căn cước, lý lịch, tiểu sử…
Điều này nhằm từng bước đánh giá công dân như cách mà Trung Quốc đang thực hiện rất tốt. Họ quản lý và đánh giá công dân theo hành vi để phân loại công dân nhằm dễ quản lý. Hay rộng hơn thế đó là nhu cầu sở thích, thói quen của công dân để cung cấp dịch vụ tốt hơn cho họ… Đây đều là những khía cạnh Việt Nam chưa thực hiện được.
Khía cạnh thứ ba của xã hội thông minh theo ông Tùng là cuộc sống số. Cuộc sống số gồm các dịch vụ như kết nối cư dân với cộng đồng, khu đô thị, thanh toán hoá đơn, kết nối cư dân với các tiện ích, dịch vụ bãi đô xe…
Khía cạnh thứ tư là kinh tế số. Kinh tế số cho phép mỗi người dân có thể tiếp cận toàn bộ thị trường, dịch vụ, mua sắm một cách nhanh chóng trên nền tảng số.
Và cuối cùng là xã hội số. Chuyển đổi số sẽ giúp xóa nhòa khoảng cách địa lý, mang đến cơ hội bình đẳng cho người dân về tiếp cận dịch vụ như y tế, giáo dục, thể thao, vui chơi giải trí, mang lại một loạt những tiến bộ lớn về chất lượng cuộc sống cho họ.
Với tất cả các yếu tố trên, ông Tùng cho rằng: “Những cấu phần tạo nên một xã hội thông minh đã xuất hiện ở đâu đó trong cuộc sống nhưng còn rời rạc, chưa có tính kết nối mạnh mẽ các yếu tố đó với nhau để tạo sức mạnh tổng thể, đặt vai trò của người dân và nhiệm vụ phục vụ người dân làm trung tâm”.
Đơn cử như với kinh tế số, hiện trên thị trường đã phát triển những ứng dụng phục vụ việc mua sắm của người dân như Shopee, Lazada. Người dân cũng đang tham gia mạnh mẽ vào kinh tế số thông qua việc bán hàng, mua sắm online trên các trang mạng xã hội Zalo, Facebook.
Theo số liệu từ Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam năm 2021, số lượng người mua tiêu dùng mua sắm trực tuyến đã tăng nhanh từ 32,7 triệu người năm 2016 lên 49,3 triệu người năm 2020. Mua sắm trực tuyến đang dần trở thành một thói quen mua sắm của người dân Việt Nam.
Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế số ở mức khá trong khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia), với hạ tầng viễn thông và CNTT khá tốt, phủ sóng rộng, mật độ người dùng cao. Quy mô kinh tế số tại Việt Nam từ 3 tỷ USD trong năm 2015 đã tăng lên 12 tỷ USD năm 2019 và 14 tỷ USD năm 2020, dự kiến đến năm 2025 bứt phá lên 52 tỷ USD, chủ yếu trong các lĩnh vực, như thương mại điện tử, du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến và gọi xe công nghệ.
Tuy nhiên, kinh tế số của Việt Nam còn rất rời rạc, chưa đồng bộ. Mặt khác, xã hội thông minh không chỉ có kinh tế số, theo ông Tùng, mọi mặt của đời sống người dân cần được quy hoạch đồng bộ, toàn diện, không phải chỉ một góc của đời sống xã hội. Đây điều này là không hề đơn giản, bởi xã hội thông minh là một phạm trù rất rộng, bao hồm tất cả các yếu tố của cuộc sống người dân.
Nhận thức rõ vấn đề này, thời gian vừa qua, ông Tùng cho biết Song Nam đã tiên phong tạo ra một nền tảng số mở để kết nối các thiết bị hiện hữu về chung một nền tảng và giúp chúng thông minh hơn, tương tác, chia sẻ dữ liệu và được quản lý hợp nhất bởi một siêu ứng dụng duy nhất.
Đây là một nền tảng số mở được thiết kế để giải quyết “tính kết nối” giữa: con người – thiết bị – con người. Nền tảng bao gồm đồng bộ hệ sinh thái thiết bị phần cứng, phần mềm, web, app nhằm giải quyết triệt để và đồng bộ bài toán số hóa, tự động hóa ở nhiều cấp độ như căn hộ, tòa nhà, khu đô thị, thành phố và xã hội.
Bên cạnh đó, nền tảng này còn kết nối nhu cầu của con người, cư dân hiện hữu với ban quản lý, chính quyền, tiện ích nội khu, tiện ích ngoại khu nhằm kết nối họ với xã hội thông minh. Thông qua ứng dụng, Chính quyền cũng dễ dàng phổ cập thông tin tới người dân, lắng nghe dân kiến, gần gũi, chăm lo đời sống an sinh của dân.
Theo ông Tùng, nền tảng này sẽ giúp kết nối 5 yếu tố của một xã hội thông minh vào một ứng dụng duy nhất; qua đó, từng bước góp phần vào xây dựng “xã hội thông minh” theo đúng nghĩa vì mục tiêu chuyển đổi số quốc gia, lan tỏa phong cách sống số, số hóa tới từng người dân.
Nguồn tin: The LEADER