Tọa lạc tại phường Thạch Bàn, quận Long Biên, TP Hà Nội là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa và tâm linh đặc sắc của Thủ đô. Với kiến trúc độc đáo, pho tượng đồng Trấn Vũ kỳ vĩ và lễ hội “Kéo co ngồi” được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Table of Contents
ToggleLịch sử hình thành và ý nghĩa Đền Trấn Vũ
Đền Trấn Vũ có tên chữ là “ Trấn Vũ quán” hay “Hiển linh Trấn Vũ quán” là một ngôi đền cổ có từ thời vua Lê Thánh Tông (1460-1496) nằm ngay sát phía trong đê sông Hồng thuộc xóm Đìa, thôn Ngọc Trì, xã Thạch Bàn, huyện Gia Lâm, nay thuộc tổ 5, phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội.
Theo truyền thuyết dân gian, vua Lê Thánh Tông trong một lần chinh phạt phương Nam đã dừng chân tại Cự Linh. Tại đây, nhà vua được Thánh Tổ báo mộng. Để tỏ lòng kính ngưỡng, vua cho lập đền thờ với tượng và bài vị bằng gỗ khắc chữ vàng “Hiển linh Trấn Vũ quán”. Ngôi đền được xây dựng trên mảnh đất có thế “Quy Xà hội tụ,” phía trước là gò đất hình Rùa nổi lên giữa đồng, phía sau có đê sông Hồng được ví như hình Rắn (hay Rồng).Ông Mai Tự Lĩnh, hiện đang công tác tại Ban quản lý di tích đền Trấn Vũ cho biết: “Đền được xây dựng làm 3 phần là tiền tế, trung đường và hậu cung. Đặc trưng của ngôi đền là xây dựng quay về hướng Bắc, trong hậu cung có thờ đức thánh Huyền Thiên Trấn Vũ”.
Sự tích về Huyền Thiên Trấn Vũ có nhiều dị bản khác nhau, trong đó, sự tích được ghi tại đền Trấn Vũ, Thạch Bàn trên bia đá có nội dung tóm tắt như sau: Trải qua 4 lần giáng sinh và tu hành tại các nước khác nhau, Ngài đã đắc đạo và có công lớn trong việc diệt trừ yêu quái, giúp trời yên biển lặng, dân cư yên ổn, vạn vật sinh sôi. Ngài còn phù hộ việc phá giặc phương Bắc xâm lược, giúp nước, đỡ dân, công đức to lớn vô cùng. Từ thời Thục Phán An Dương Vương đến nay, các triều đại đều sắc phong cho ngài là Thượng đẳng thần, cấp đất đai, hương hỏa để phụng thờ.
Kiến trúc độc đáo Đền Trấn Vũ
Đền Trấn Vũ được xây dựng trên thế đất Quy Xà hội tụ và nhìn về hướng Bắc. Trên đồng có gò đất nổi lên được coi là hình Rùa. Sau đền và chùa là đê sông Hồng, được coi là hình Rắn (hay Rồng). Cũng rất dễ hiểu, bởi theo sự tích thì Thần Trấn Vũ đã thu phục được yêu Rắn và yêu Rùa, vì thế, hình tượng Trấn Vũ có kèm hình Rắn quấn trên thanh kiếm Thất Tinh chống trên lưng Rùa. Bia đá tại đền cho biết: “Ngày hóa, Diệu Lạc Thiên Tôn hóa phép, khiến Huyền Nguyên ngủ thiếp, Diệu Lạc liền moi hết ruột gan Huyền Nguyên, đem chôn ở núi Vũ Đương”. Theo các nhà nghiên cứu thì Ngài đã chứng quả tu “Tâm không”, tâm không còn vướng bụi trần – vô ưu (không ưu phiền).
Đền Trấn Vũ là công trình trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử và được trùng tu qua các thời kỳ. Hiện nay, kiến trúc đền vẫn giữ được nét tiêu biểu của phong cách tôn giáo truyền thống. Đền gồm ba tòa kiến trúc chính: Đại bái, Trung cung và Hậu cung.
Tổng thể kiến trúc
Hai tòa Đại bái và Trung cung đều có năm gian, được thiết kế theo kiểu tường hồi bít đốc và chung một máng nước. Kiểu bố trí này tạo nên sự thống nhất trong không gian nội thất, mang đến cảm giác trang nghiêm và thanh tịnh.
Phần mái đền được chạm trổ công phu, với hình rồng chầu mặt trời nổi bật ở bờ nóc, biểu tượng cho sức mạnh và uy quyền. Hai đầu đốc được trang trí bằng hình đầu kìm, tượng trưng cho các thế lực thiên nhiên, mang ý nghĩa điều hòa thời tiết và cầu mong mưa thuận gió hòa.
Tòa Đại bái
Tòa Đại bái có khoảng hiên rộng, nối liền với sân đền qua bậc tam cấp. Các cột hiên được làm từ đá xanh quý hiếm, vuông vức, với ba mặt chạm khắc hoa lá cách điệu tinh xảo. Mặt trước của cột được khắc những vế đối ca ngợi công đức của thánh Trấn Vũ và nói về phong thủy của làng.
Gian giữa của tòa Đại bái nổi bật với bốn cột cái, được thiết kế theo kiểu giá chiêng với phong cách “thượng tam, hạ tứ” – một nét đặc trưng trong kiến trúc truyền thống, thể hiện sự cân đối và hài hòa.
Tòa Trung cung
Tòa Trung cung giữ lại nhiều nét chạm khắc từ thế kỷ XIX, kế thừa phong cách kiến trúc của tòa Đại bái. Dưới xà nách của mái có chiếc kẻ dài được chạm trổ hoa lá cách điệu, với chữ Thọ nổi bật ở phần đầu kẻ. Đây là phong cách trang trí đặc trưng của kiến trúc thời kỳ này, mang ý nghĩa cầu chúc trường thọ và bình an.
Tòa Hậu cung
Tòa Hậu cung là nơi đặt tượng thờ thần Trấn Vũ, được thiết kế với sự trang nghiêm đặc biệt. Nơi đây kết nối với Trung cung qua một hệ mái kiểu phương đình hai tầng tám mái, tạo nên vẻ uy nghiêm. Dù các cấu kiện của tòa chủ yếu được chế tác đơn giản với bề mặt trơn nhẵn, tổng thể vẫn toát lên sự trang trọng, phù hợp với không gian thờ tự linh thiêng.
Các di vật lịch sử lưu giữ tại Đền Trấn Vũ
Những di vật lớn vẫn còn bảo tồn tại đền Trấn Vũ:
– Tượng thần Huyền Thiên Trấn Vũ (1802): Tượng cao 3,8m, chu vi 8m và nặng 9 tấn. Tượng được đúc với chi tiết tinh xảo, phần diềm áo nổi bật với hoa văn lá và hình long mã, các nếp riếp áo bó sát thân tượng nhưng vẫn tạo cảm giác mềm mại và sống động, thể hiện sự uy nghi và mạnh mẽ.
Pho tượng đồng Huyền Thiên Trấn Vũ là một kiệt tác điêu khắc nổi bật của nghệ thuật Việt Nam thời Tây Sơn, được đánh giá là đứng thứ hai về kích thước, chỉ sau pho tượng Phật tại chùa Ngũ Xã.
– Bộ tượng 12 nguyên soái: Hiện tại đền còn lại 10 pho được làm từ chất liệu đất nung. Mỗi pho tượng lại có nét mặt khác nhau (mặt ngựa, mặt chim, đầu nhiều mặt) và được xếp 2 hàng sát tường chầu vào giữa.
– Di vật văn bản: Đền còn lưu giữ 23 đạo sắc phong Thần từ năm 1470, 4 bia đá cổ ghi sự tích và trùng tu đền, 1 bộ ván in của Đạo giáo, 50 quẻ thẻ khắc trên gỗ.
– Hiện vật thờ tự thế kỷ XVIII như: Ngai thờ, Bài vị, Kiếm lệnh, Hệ thống câu đối hoành phi.
– Tòa trung cung với họa tiết chạm trổ thế kỷ XIX: 2 pho tượng đá ở tòa Trung đường, 2 pho tượng đá ở Thượng cung.
Lễ hội và trò chơi dân gian Đền Trấn Vũ
Lễ hội đền Trấn Vũ được tổ chức hằng năm vào ngày mùng 3 tháng ba (âm lịch), mang bản sắc văn hóa truyền thống, nhằm biểu hiện sự tôn kính của con người với thần linh, phản ánh những ước mơ, khát vọng của con người, mong muốn có cuộc sống an bình, tốt đẹp. Lễ hội cũng là nét sinh hoạt văn hóa xuất phát từ nhu cầu cuộc sống của con người, góp phần củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, luôn hướng về nguồn cội; đồng thời là nơi giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa cho thế hệ trẻ.
Một trong những giá trị văn hóa đặc sắc của lễ hội truyền thống tại đền Trấn Vũ là nghi thức “Kéo co ngồi” – một tập quán xã hội và tín ngưỡng lâu đời trong hội làng Cự Linh, xã Thạch Bàn, huyện Gia Lâm xưa (nay thuộc cụm Ngọc Trì, phường Thạch Bàn, quận Long Biên).
Vào ngày 19/12/2014, nghi thức “Kéo co ngồi” tại đền Trấn Vũ được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Đặc biệt, vào tháng 12/2015, nghi lễ kéo co truyền thống của châu Á được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại với tên gọi “Nghi lễ và trò chơi kéo co.” Danh hiệu này được công nhận nhờ sự phối hợp đệ trình của bốn quốc gia: Campuchia, Hàn Quốc, Philippines và Việt Nam.
Kéo co ngồi là một lễ hội có từ xa xưa. Tương truyền, xưa kia phường Thạch Bàn có 12 giếng nước. Vào năm hạn hán, 11 giếng cạn hết nước, chỉ còn giếng nước ở xóm Đìa. Trai xóm Đường và xóm Chợ đến giếng gánh nước về dùng. Xóm Đìa sợ hết nước nên không cho lấy. Thời đó, nước được gánh bằng quang làm bằng dây song. Hai bên giằng co nhau cái quang đựng nước. Bên giằng, bên giữ, lại sợ đổ mất nước nên cả hai bên cùng ngồi xuống đất mà ôm thùng nước. Từ việc ngồi giằng co nhau để giữ thùng nước, nhân dân trong vùng đã sáng tạo ra lễ hội kéo co ngồi.
Cứ vào ngày 3/3 hàng năm, đền Trấn Vũ tổ chức lễ hội gắn liền với sự tích kéo co ngồi. Thời kỳ đầu chỉ có 2 mạn là mạn Đường và mạn Chợ tổ chức với nhau, sau có thêm mạn Đìa tham gia. Theo truyền thuyết các cụ kể lại, nếu tổ chức kéo co mạn Đường thắng thì những năm đó người dân làm ăn may mắn, mùa màng bội thu. Về không gian thực hành kéo co ngồi thì kéo bằng dây song, dây song được luồn qua cột gỗ lim được chôn xuống đất, các mạn ngồi phệt xuống đất để kéo co. Đặc biệt nữa là nghi thức kéo co phải thực hiện ở trên ruộng nền đất.
Tham quan Đền Trấn Vũ trên nền tảng số
Với sự phát triển của công nghệ số, bạn có thể dễ dàng tham quan Đền Trấn Vũ mà không cần rời khỏi nhà nhờ nền tảng số YooLife. Trên YooLife, Đền Trấn Vũ được tái hiện một cách sống động qua hình ảnh VR360, cho phép bạn trải nghiệm không gian linh thiêng của ngôi đền từ mọi góc nhìn. Việc khám phá các chi tiết kiến trúc, pho tượng đồng Trấn Vũ hay lễ hội đặc sắc “Kéo co ngồi” trở nên thú vị và dễ dàng hơn bao giờ hết.
Tải ứng dụng YooLife để có những trải nghiệm văn hóa tuyệt vời này ngay trên thiết bị của bạn!