Di tích trường thương binh hỏng mắt từng được Bác Hồ tới thăm vào đêm 30 Tết Bính Thân 1956. Cùng YooLife tìm hiểu ý nghĩa lịch sử và ngắm nhìn chiếc áo kỷ vật của Bác Hồ tặng nhà trường để làm giải thưởng.
Table of Contents
Toggle1. Bác Hồ thăm trường thương binh hỏng mắt
Trường thương binh hỏng mắt đã được thành lập từ trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, ở Thanh Hoá. Khi hoà bình lập lại, trường được chuyển về Hà Nội khang trang, rộng rãi, nằm ngay trên phố Nguyễn Thái Học, để có điều kiện chăm sóc thương binh tốt hơn.
Tối ngày 11-02-1956, tức 30 Tết năm Bính Thân, sau bữa cơm tất niên, anh em thương binh đến tập trung ở hội trường để liên hoan mừng đón Giao thừa. Đêm liên hoan đông vui và cảm động vì sự họp mặt của các anh em thương binh ở cả hai miền Nam, Bắc. Các tiết mục văn nghệ được trình diễn liên tục, sôi nổi. Trong lúc vui vẻ, đồng chí Hiệu trưởng Phạm Chu Mưu phấn khởi báo tin đêm nay có phái đoàn Chính phủ đến thăm nhà trường.
Rồi tiếng reo “Bác đến! Bác đến!” mỗi lúc một vang to, lan rộng. Cả hội trường ào lên tiếng vỗ tay, tiếng reo hò sung sướng: “Hồ Chí Minh muôn năm! Bác Hồ muôn năm!” Bác bước vào hội trường, cất tiếng ấm áp nói: Thôi! Thôi! “Các chú đừng hoan hô nữa mệt sức. Ngồi xuống cả đi, Bác sẽ nói chuyện”.
Bác hỏi thăm sức khỏe mọi người, hỏi chuyện ăn Tết có bánh chưng không. Một đồng chí thương binh hỏng mắt đứng lên trả lời: “Thưa Bác, chúng cháu chưa kịp làm bánh chưng nhưng đã có xôi, có nhiều thịt ạ”. Bác cười: “Mình còn khó khăn, có nhiều xôi, nhiều thịt cũng là tốt lắm rồi”.
Rồi Bác hỏi về món tiền 200 đồng mà Bác gửi hồi thành lập trường cho anh em tăng gia sản xuất. Một đồng chí ngồi gần chỗ Bác đứng lên nói: “Thưa Bác, chúng cháu đã nuôi được lợn và trồng được nhiều rau mà tiền vốn Bác cho vẫn còn ạ”.
Bác khen tốt và nói tiếp: “Có trường thương binh hỏng mắt này, các chú được học chữ, học nghề để tiếp tục phục vụ nhân dân, như vậy các chú “tàn mà không phế”. Các chú tùy theo sức của mình mà học tập và công tác. Các chú phải học hết lớp 7, sau đó thích nghề gì thì tham gia…”.
Đồng chí Hiệu trưởng của trường thay mặt anh em thương binh kính chúc Bác năm mới mạnh khỏe và hứa với Bác là Trường thương binh hỏng mắt Hà Nội sẽ làm thật tốt lời Bác dặn.
Bác đem thuốc lá ra chia cho mọi người và để mọi người cùng chụp ảnh chung với Bác làm kỷ niệm. Bất chợt, một đồng chí hỏng cả hai mắt đứng lên nói: “Thưa Bác, khi còn sáng mắt, chúng cháu được nhìn Bác hoặc nhìn thấy ảnh Bác. Bây giờ chúng cháu đã bị mù, chúng cháu muốn Bác đứng để chúng cháu sờ xem Bác có khỏe không?”.
Bác Hồ xúc động đứng lặng hồi lâu, rồi nói: “Đêm nay Giao thừa, Bác còn phải đi thăm nhiều gia đình có công với cách mạng và các cơ quan khác nữa. Ở đây lâu thì Bác không kịp đi thăm nơi khác được. Thôi, các chú hát cho Bác nghe một bài”.
Bác giơ tay bắt nhịp cho toàn thể anh em thương binh cùng hát bài “Kết đoàn” vui vẻ. Tiếng hát, cùng tiếng vỗ tay theo nhịp điệu vang lên sôi nổi, vui vẻ. Bài hát gần kết thúc, thì Bác vẫy tay chào anh em ra về, để lại trong lòng mọi người một niềm xúc động sâu sắc và cũng rất phấn khởi, tự hào trước tình cảm yêu thương, sự tin tưởng, tôn trọng của vị Chủ tịch nước dành cho.
2. Người thương binh hỏng mắt với lời dạy của Bác
Ông Trần Công Nhuận, Thương binh hạng đặc biệt và cố Phó Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam. Khi còn là học sinh, ông đã tham gia lực lượng tự vệ thành phố Hải Phòng. Trải qua nhiều năm chiến đấu trên các chiến trường, ông được điều chuyển về làm đốc công tại một công binh xưởng chuyên sản xuất vũ khí cho Quân đội.
Năm 1953, khi tròn 30 tuổi, trong lúc nghiên cứu chế tạo vũ khí phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ cùng đồng đội, một hộp kíp nổ bất ngờ phát nổ. Tai nạn nghiêm trọng khiến ông mất đi đôi mắt, bốn ngón tay trái và khả năng nghe giảm sút nghiêm trọng. Sau nhiều tháng trời nằm mê man trên giường bệnh, đến tháng 7/1957, khi sức khỏe dần hồi phục, ông được chuyển về học tập tại Trường Thương binh hỏng mắt ở số 139 phố Nguyễn Thái Học, Hà Nội.
Chỉ sau 3 tháng kiên trì học tập, ông Trần Công Nhuận đã thành thạo việc sử dụng chữ nổi. Nhờ nền tảng văn hóa vững chắc từ trước, ông nhanh chóng trở thành thầy giáo, dạy lại cho những đồng đội có trình độ thấp hơn. Thời điểm đó, Trường Thương binh hỏng mắt là nơi duy nhất giảng dạy văn hóa bằng chữ nổi. Chính vì vậy, nhiều người mù ở Hà Nội đam mê học hỏi đã tìm đến nhờ ông hướng dẫn.
Những học trò đầu tiên của ông là anh Ngô Báu, chị Bạch Thu và chị Tuyết Minh. Số người đến xin học ngày càng đông, khiến ông phải vận động thêm những người có trình độ để cùng tham gia dạy học. Sự nỗ lực và tận tâm của ông đã giúp mở ra cơ hội học tập và phát triển tri thức cho nhiều người mù, đặt nền móng quan trọng cho giáo dục người khuyết tật tại Việt Nam.
3. Thăm lại di tích Trường thương binh hỏng mắt
Trường Thương binh hỏng mắt còn được Bác gửi tặng những quả cam trong vườn. Bác cũng đã gửi tặng trường một chiếc áo may bằng vải ka ki màu ghi. Trên cổ ảo có khâu mảnh vải sa tanh nhỏ màu đỏ thêu chữ màu vàng “Quà dâng Bắc, nhóm Liên Việt thành phố Hồ Chí Minh kính tặng”. Là chiếc áo của Hội Liên Việt Sài Gòn – Gia Định đã tặng Bác từ hồi kháng chiến chống Pháp. Bác vẫn giữ gìn cẩn thận và nay tặng cho nhà trường để làm giải thưởng cho học viên có thành tích xuất sắc trong học tập và rèn luyện. Đồng chí thương binh nặng Phạm Vàng là cá nhân xuất sắc của nhà trường nên đã vinh dự được nhận chiếc áo này. Thương binh Trần Công Nhuận vinh dự được Bác trao tặng huy hiệu của Người.
Cho đến cuối năm 1964 giặc Mỹ leo thang chiến tranh cho máy bay ném bom bắn phá ác liệt miền Bắc nên trường phải đóng cửa. Trường chỉ tồn tại trong 4 năm nhưng đã có trên 40 người mù được theo học chương trình bổ túc văn hóa cấp I. Đồng thời hoạt động của trường đã gây được tiếng vang ngoài xã hội góp phần thúc đẩy việc thành lập Hội người mù Việt nam sau này.
Tải App YooLife khám phá nhiều địa điểm di tích lịch sử khác trên nền tảng số: